Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn trong công tác tuyển sinh văn hóa có nghề sau khi tốt nghiệp THCS, song về cơ chế nổi lên là việc phân luồng trong hệ thống giáo dục quốc dân chưa được thực hiện triệt để.
Các trường THPT thiếu chỉ tiêu nên hạ điểm chuẩn, “vét” gần hết số học sinh thi trượt. Các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều, nới rộng công tác xét tuyển nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 nên càng tạo tâm lý cho học sinh thích học đại học, cao đẳng hơn học nghề.
Mặt khác, tâm lý gia đình và xã hội vẫn chưa nhận thức đầy đủ về trường nghề, vẫn mong con em vào bằng được đại học hoặc chí ít là cao đẳng, dẫn tới tâm lý trông chờ, ỷ lại của con em trong việc định hướng nghề nghiệp.
Tâm lý nặng nề bằng cấp của người dân, xã hội vẫn còn khá phổ biến dẫn tới tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Trong khi đó, các thông tin tuyên truyền, tư vấn và hướng nghiệp về dạy nghề còn yếu, chưa làm cho xã hội, nhất là học sinh phổ thông, thanh niên hiểu đúng và lựa chọn học nghề phù hợp với khả năng và điều kiện của bản thân.
Về mặt chủ quan, các cơ sở kinh tế công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít, số việc làm dành cho lao động trong tỉnh rất hạn chế. Tâm lý của thanh niên miền núi thích lao động tự do, gần nhà, không quen với tác phong làm việc công nghiệp, nên khó bắt nhịp được với công việc trong các khu công nghiệp ngoại tỉnh. Không ít trường hợp chưa làm được bao lâu đã bỏ về địa phương. Hơn nữa, hiện nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách có tính bắt buộc để doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với cơ sở dạy nghề trong quá trình đào tạo và tuyển dụng lao động. Có thời điểm các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ồ ạt tuyển lao động phổ thông, chưa chú trọng đến lao động có tay nghề. Thậm chí khi ra làm việc, công nhân có tay nghề bậc thợ cũng chỉ được nhận lương tương đương lao động phổ thông. Cách sử dụng lao động như vậy rõ ràng khiến thanh niên khó mặn mà với việc học nghề.
Tác giả bài viết: Phạm Thị Thảo